Kinh nghiệm sống còn khi lái xe ô tô đường đồi núi

Bạn thường xuyên di chuyển trên những cung đường đồi núi hiểm trở thì đừng bỏ qua kinh nghiệm lái xe đường đồi núi đầy hữu ích dưới đây!

Lái xe ở đường đồi núi yêu cầu tài xế phải có tay lái chắc, nắm rõ kĩ thuật và có nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống. Chỉ cần bạn mất tập trung hoặc chủ quan một giây thôi thì cũng có thể gây ra tai nạn với hậu quả khôn lường. Nhẹ thì gây hư hỏng cho xe của bạn, nặng thì gây nguy hiểm đến tính mạng của bạn cũng như những người tham gia giao thông khác. Để an toàn hơn khi lái xe đường đồi núi thì bạn nên tham khảo những kinh nghiệm sống còn mà các bác tài nhiều kinh nghiệm chia sẻ dưới đây nhé!

Kinh nghiệm lái xe ô tô đường đồi núi

1. Kiểm tra thật kỹ xe trước mỗi chuyến đi

Không chỉ đối với cung đường đồi núi, trước bất kỳ chuyến đi nào thì bạn cũng cần kiểm tra thật kỹ các bộ phận của xe xem chúng có hoạt động ổn định hay không. Việc chuẩn bị tốt sẽ khiến bạn cảm giác an tâm hơn và nó cũng giúp bạn giảm thiểu những thứ không mong muốn xảy ra. Bạn cần kiểm tra hệ thống phanh, côn, hệ thống đèn chiếu sáng của xe xem có hoạt động ổn định hay không. Nếu phát hiện bất kì dấu hiệu bất thường nào thì cần phải tiến hành xử lý ngay rồi mới bắt đầu khởi hành.

Ngoài ra cần kiểm tra bề mặt lốp, áp suất lốp và luôn chú ý có lốp dự phòng trong mỗi chuyến đi xa. Nếu có điều kiện bạn nên trang bị thêm các thiết bị công nghệ an toàn như cảm biến áp suất lốp, hiển thị tốc độ trên kính lái, camera hành trình, cảm biến lùi.. để giúp chuyến đi của bạn an toàn hơn.

2. Không chở quả tải trọng của xe

Không chở quá trọng tải khi lái xe đường đồi núi

Lái xe đường đồi núi thường xuyên phải lên dốc xuống dốc thì tải trọng của xe có ảnh hưởng cực kì quan trọng. Đặc biệt đối với xe khách, không được chở quá số người cùng trọng lượng hành lý theo quy định, để bảo đảm tải trọng giới hạn. Như các bạn đã biết thì tải trọng càng lớn thì quán tính càng lớn khiến cho việc giảm tốc độ khi xuống dốc sẽ gặp khó khăn hơn. Trong trường nhiều trường hợp gây hư hại đến hệ thống phanh dẫn đến mất an toàn khi xuống dốc.

3. Sử dụng vô lăng đúng cách

Do đặc thù đường miền núi rất nhiều khúc cua liên tục nên bạn hầu như phải liên tục làm việc với vô lăng. Ước lượng độ gấp của khúc cua để đánh lái và trả lái vừa đủ là yếu tố quan trọng giúp cho chiếc xe chạy ổn định. Việc đánh lái quá gấp sẽ khiến chiếc chiếc xe tròng trành, mất lái có thể dẫn tới lật xe. Chính vì thể sử dụng vô lăng đúng cách là việc làm cần thiết và đòi hỏi tài xế có độ tập trung cao.

Đặc biệt lưu ý các tài xế hay có thói quen xoa vô lăng bằng 1 tay, điều này cực nguy hiểm khi chạy xe đường đèo bởi các khúc cua gắt đòi hỏi lực giữ vô lăng lớn hơn so với đường bằng. Nếu vô lăng của xe chưa có bọc vô lăng thì bạn nên bọc lại để tăng độ đầm và giảm thiểu trơn trượt do mồ hôi tay khi cầm nắm. Việc bọc vô lăng sẽ giúp việc đánh lái tốt hơn, lái xe an toàn hơn.

4. Nguyên tắc bất di bất dịch khi xe xuống dốc

Kinh nghiệm lái xe đổ đèo xuống dốc

Khi đổ đèo, xe càng nặng thì quán tính càng lớn, tốc độ lao dốc sẽ tăng cao nhanh chóng và vượt quá khả năng kiểm soát lái nếu xe vẫn để chế độ D (số tự động), hoặc các cấp số cao (số sàn). Theo trực giác, bạn sẽ phanh, phanh nhiều và giữ lâu sẽ dẫn đến nhiệt độ má phanh tăng quá cao, khi đó má phanh hóa gốm sẽ gây mất tác dụng phanh.

Phương án tối ưu lúc này là bạn sẽ phanh giảm tốc độ và về số thấp, việc này khiến động cơ xe ghìm lại tốc độ xe, có thể đổ dốc một cách an toàn, dễ dàng kiểm soát lái. Lưu ý bạn phải luôn duy trì tốc độ ở trong ngưỡng an toàn, tuyệt đối không để xe trôi quá nhanh rồi mới hãm lại, cách chạy như vậy có thể gây hư hại đáng kể đối với hệ thống phanh.

Khi xuống dốc dài nếu gặp chướng ngại vật đột ngột xuất hiện trên đường, tài xế cần đạp phanh, giảm số, giảm ga. Đối với những khúc cua khi xuống dốc, lái xe lưu ý cần luôn bám vào phần đường bên sườn đồi, núi. Kinh nghiệm lái xe ô tô đường đèo rất quan trọng là không bao giờ đi với tốc độ cao. Bởi lực ly tâm đẩy ra làm xe bị lật hoặc xử lý phanh không kịp thời dẫn đến sự cố xe bị rơi xuống vực. Khi xe xuống dốc ở bến phà, nhất là dốc đứng thì lúc bánh xe chạm vào đầu cầu để dẫn lên phà, lái xe phải cho xe dừng lại giây lát để giảm số rồi mới tiếp tục đi lên phà.

>>>Xem thêm: Chia sẻ kinh nghiệm ghép ngang, ghép dọc cho tài mới

Nhiều tai nạn sảy ra ở các đoạn đường dốc do lái xe không làm chủ được tốc độ và kiểm soát được chiếc xe của mình. Chỉ một phút sơ sẩy khi lên xuống dốc có thể khiến bạn không còn cơ hội làm lại lần thứ hai. Khi lên dốc cao cần chú ý đi số phù hợp với tính năng kỹ thuật của từng loại xe (xe số sàn), với trọng tải của hành khách trên xe. Cần chú ý thao tác nhanh gọn khi giảm số để lên tiếp dốc, tránh kẹt số hoặc bị dừng lại ở số mo làm xe bị trôi tụt. Nếu nhiệt độ nước làm mát xe của bạn lên cao, cần tìm chỗ đỗ an toàn và nhớ không tắt máy xe mà để chạy không tải, không bao giờ mở nắp két nước khi còn nóng.

Thông thường bạn đi lên dốc bằng số nào thì xuống dốc cũng bằng số đó để tận dụng lực phanh hãm từ động cơ. Tuy nhiên, nguyên tắc này có thể được thay đổi tùy thực tế của con dốc và điều kiện mặt đường. Trên xe số tự động, bạn nên tận dụng chế độ số tay thường được ký hiệu là S, L, M, D1, D2, D3…hoặc sử dụng lẫy chuyển số trên vô lăng (nếu có). Trong trường hợp dốc quá cao, đường xấu, bạn có thể sử dụng tính năng hỗ trợ đổ đèo (kỹ hiệu chiếc xe với con dốc đi xuống). Không nên rà phanh liên tục vì có thể làm nóng má phanh quá mức gây mất phanh và sẽ rất nguy hiểm. Khi lên xuống dốc mà gặp đường trơn trượt, mặt đường nhiều bùn đất, người lái xe cần bình tĩnh xử lý, chạy xe ở tốc độ ổn định có thể kiếm soát được, không đánh lái gấp và bất ngờ, nếu qua đoạn ngập nước hãy giữ đều ga ở số thấp cho xe từ từ đi qua.

Bên cạnh đó bạn cần giữ được bình tĩnh và có cái nhìn bao quát hơn để có thể xử lý tình huống một cách tốt nhất.

5. Đừng ôm vạch chia đường

Hầu hết đường đèo núi hẹp hơn đường quốc lộ ở đồng bằng. Một số lái xe có xu hướng bám vạch chia giữa đường để chạy nhưng kỹ thuật này sẽ không an toàn nếu đường có nhiều xe di chuyển, gây khó chịu cho xe khác. Trường hợp xấu dẫn đến tai nạn mà không kịp xử lý, đặc biệt với xe ngược chiều khi vào cua.

6. Cẩn thận khi gặp sương mù

Khi gặp sương mù, bạn cần đi chậm, quan sát nhiều hơn, bật đèn sương mù và luôn nhớ bám vạch kẻ đường. Khi vào cua thì nên bấm còi để cảnh báo tới các phương tiện khác. Thời tiết xấu dẫn tới mất độ bám đường và có thể dẫn tới sạt lở, vì thế bạn phải luôn cảnh giác, có thể dừng lại nếu cảm thấy nguy hiểm. Tuy nhiên bạn cũng phải lưu ý vị trí dừng để tránh gây nguy hiểm hoặc ảnh hưởng tới các phương tiện khác.

7. Cảnh giác đoạn đường trơn trượt

Lái xe cẩn thận khi đi qua đoạn đường trơn trượt

Sương mù dày đặc cũng là một trong những nguyên nhân gây đường ướt dẫn đến trơn trượt. Tuy nhiên, sự chủ quan của các lái xe sẽ tăng lên khi đường ướt mà tầm nhìn tốt và không có sương mù, có thể là sau những cơn mưa, hay nước trên núi chảy xuống. Việc bạn di chuyển với tốc độ cao qua những đoạn đường ướt hoặc ngập nước, đặc biệt là tại những khúc cua, có thể sẽ làm xe bị văng và mất lái.

8. Chú ý biển báo, vạch kẻ đường

Địa hình đồi núi tiềm ẩn nhiều bất ngờ, có nhiều biển báo là mới đối với những người chỉ quen tay lái xe trọng đô thị. Vì vậy bạn cần nắm chắc ký hiệu của các laoị biển báo giao thông đường bộ để biết tình hình đường sá phía trước. Thường gặp nhất trên địa hình đồi núi là biển báo cua “zic zac” liên tục, cảnh báo sạt lở, độ dốc, cảnh báo vực, trâu bò, trơn trượt….

Ví dụ nếu thấy biển cảnh báo độ dốc 10%, lái xe sẽ biết chuyển số và sử dụng ga phanh phù hợp để không bị mất đà, tuột dốc. Với những góc cua được kẻ vạch liền, không lấn đè vạch sang làn đối diện, trừ trường hợp bất khả kháng.

>>>Tham khảo: Văn hóa ngồi xe ô tô không phải ai cũng biết!

Trên đây là những nguyên tắc bất di bất dịch, kinh nghiệm sống còn khi lái xe ô tô đường đồi núi bạn cần phải nắm rõ. Nếu hành trình dài và chưa quen đường, hãy dừng nghỉ giữa chặng nhiều hơn. Chú ý uống nước đầy đủ để cơ thể tỉnh táo và đổ đầy nhiên liệu khi gặp trạm. Phụ kiện ô tô giá rẻ Super Car chúc các bạn lái xe an toàn!

Bạn hãy để lại bình luận!
Bài viết liên quan